Tiểu đường ở động vật là tình trạng không sản xuất đủ insulin để điều hòa đường huyết. Insulin chịu trách nhiệm chuyển hóa đường thành năng lượng cho các tế bào. Nếu đường bị dư thừa và không được chuyển hóa thành năng lượng cho hoạt động của các tế bào, chó bị tiểu đường sẽ bị sụt cân, đục thủy tinh thể, nhiễm trùng bàng quang và bệnh thận. Không có phương pháp đặc trị tiểu đường ở chó, tuy nhiên điều trị sẽ có hiệu quả hơn nếu phát hiện sớm. Một số con chó dễ mắc bệnh tiểu đường hơn những con khác, do đó bạn cần xác định chó nhà bạn có thuộc loại này hay không. Nếu có, bạn nên quan tâm kỹ hơn đến những dấu hiệu cảnh báo tiểu đường.
I. Xác định xem chó có dễ mắc bệnh tiểu đường hay không
1. Nhận biết chó thừa cân có nhiều khả năng mắc bệnh tiểu đường.
Tiểu đường thường xảy ra nếu chó nặng hơn bình thường. Để biết chó có thừa cân hay không, bạn có thể chạm khung xương sườn của chó. Dùng tay vuốt dọc theo khung xương sườn chó để cảm nhận xương sườn dễ dàng hơn. Nếu không cảm giác được xương sườn, chó có thể đang thừa cân. Tuy nhiên, cảm nhận xương sườn thường khó khăn hơn ở những con chó có lông dày và dài. Trường hợp này bạn có thể kiểm tra xương hông lưng. Nếu có thể cảm nhận xương hông lưng sau khi nhấn nhẹ xuống, chó có thể không bị thừa cân.
- Nếu chó bị thừa cân, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ về cách giảm calo an toàn và tăng cường cho chó luyện tập. Có thể giúp chó giảm cân hiệu quả bằng cách cắt giảm đồ ăn vặt cho chó và dắt chó đi dạo nhiều hơn mỗi tuần.
2. Lưu ý đối với chó hơn 7 tuổi.
Chó từ 7-9 tuổi thường có nguy cơ tiểu đường cao. Càng nhiều tuổi, chó càng lười hoạt động và dễ bị tăng cân. Thừa cân ở chó già sẽ làm tăng nồng độ glucose, giảm insulin dẫn đến bệnh tiểu đường.
3. Nhận biết giống chó dễ bị tiểu đường.
Chó nào cũng có khả năng bị tiểu đường nhưng căn bệnh này thường xảy ra ở một số giống chó nhất định. Poodles Miniature (Chó Poodle), Mini Schnauzers, Dachshunds (Chó Lạp xưởng), Beagles (Chó săn thỏ) và Cairn Terrier là những giống chó dễ bị tiểu đường. Chó lai có hệ miễn dịch kém cũng có khả năng bị tiểu đường.
II. Phát hiện tiểu đường ở chó
1. Chú ý nếu chó khát nước liên tục. Một trong những dấu hiệu rõ ràng nhất của bệnh tiểu đường là uống nhiều nước. Nồng độ glucose cao sẽ dẫn đến mất nước, do đó chó cần uống nước nhiều để bù nước cho cơ thể. Chó bị bệnh tiểu đường thường uống nhiều nước hơn bình thường.
- Uống nhiều nước khiến chó đi tiểu nhiều hơn. Thông thường, bạn có thể nhận thấy chó bắt đầu đi tiểu trong nhà hoặc nơi ngủ.
- Không nên hạn chế lượng nước chó uống. Chó cần uống nhiều nước để tránh bị mất nước.
2. Chú ý nếu chó ngủ nhiều hơn bình thường. Một trong những dấu hiệu chính của bệnh tiểu đường là ngủ lịm. Chó sẽ mất sức và mệt mỏi khi đường không được chuyển hóa thành năng lượng cho các tế bào hoạt động. Điều này sẽ dẫn đến chứng “mệt mỏi tiểu đường” với biểu hiện ngủ li bì ở chó.
3. Kiểm tra thị lực cho chó.
Chó bị tiểu đường trong một thời gian dài có thể bị đục thủy tinh thể. Ngoài ra, chó bị tiểu đường còn có nguy cơ mù đột ngột do bệnh võng mạc tiểu đường (căn bệnh ảnh hưởng đến võng mạc phía sau mắt).
4. Đưa chó đi khám thú y ngay nếu chó xuất hiện triệu chứng kể trên. Bệnh tiểu đường không được điều trị có thể dẫn đến biến chứng nghiêm trọng. Bác sĩ thú y có thể xét nghiệm máu cho chó để kiểm tra nồng độ glucose trong máu và đảm bảo các cơ quan khác không bị ảnh hưởng do tiểu đường.
5. Tiến hành xét nghiệm. Bác sĩ có thể tiến hành nhiều xét nghiệm (máu và nước tiểu) để chẩn đoán tiểu đường cho chó. Có 3 xét nghiệm tiểu đường chính là xét nghiệm công thức máu toàn bộ (CBC), sinh hóa huyết thanh và phân tích nước tiểu. Chỉ cần một trong 3 xét nghiệm trên là có thể xác định nhiều bệnh và vấn đề sức khỏe khác nhau. Tuy nhiên, muốn xác định tiểu đường ở chó, bác sĩ thú y cần tiến hành đồng thời cả 3 xét nghiệm.
- Xét nghiệm công thức máu toàn bộ (CBC) sẽ đánh giá lượng hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu trong máu của chó. Nếu lượng bạch cầu nhiều, chó có thể bị nhiễm trùng đường tiết niệu – căn bệnh thường gặp ở chó bị tiểu đường. Hồng cầu thấp có thể chứng minh chó bị mất nước hoặc bị vỡ hồng cầu.
- Sinh hóa huyết thanh được tiến hành thông qua một mẫu máu riêng biệt. Xét nghiệm này sẽ tập trung theo dõi lượng đường và những chất khác trong máu của chó như enzym, lipid (chất béo), protein và chất thải tế bào. Mặc dù bất thường ở bất cứ chất nào cũng có thể xác định tiểu đường nhưng bác sĩ thú y thường chỉ chú ý quan sát glucose huyết thanh (đường). Thông thường, nếu mẫu máu được lấy sau khi chó nhịn ăn, chỉ số nồng độ glucose cao rất có thể là dấu hiệu chó mắc bệnh tiểu đường.
- Cuối cùng, phân tích nước tiểu là xét nghiệm hóa học nước tiểu của chó. Đường thường xâm nhập vào nước tiểu, do đó xét nghiệm nước tiểu có thể chẩn đoán tiểu đường ở chó. Chó khỏe mạnh thường không có glucose trong nước tiểu. Bạn nên thu mẫu nước tiểu của chó để bác sĩ xét nghiệm và đưa ra kết quả chẩn đoán nhanh nhất.
nguồn