Trang chủ / Blog / Tại sao chó đi chơi luôn biết đường về nhà? Nghiên cứu mới cho thấy chúng định vị được phương hướng bằng từ trường Trái Đất
Tại sao chó đi chơi luôn biết đường về nhà? Nghiên cứu mới cho thấy chúng định vị được phương hướng bằng từ trường Trái Đất
Khi tìm đường, những con chó thường chạy dọc theo trục Bắc-Nam một quãng giống như đi dọc theo đường sức từ để định hướng.
Đã bao giờ bạn tự hỏi tại sao lũ chó luôn tìm được đường về nhà dù cho bạn có thả chúng đi chơi cả ngày? Những con chó ở miền núi hoặc nông thôn có thể rong ruổi trên những cánh đồng cách nhà cả cây số. Những con chó trong thành phố tệ lắm cũng vẫn có thể thoải mái đi chơi trong phạm vi vài trăm mét đổ lại.
Trên thực tế, những con chó là một bậc thầy tìm đường không chỉ dựa vào khứu giác nhạy bén của chúng. Một nghiên cứu mới đăng trên tạp chí eLife cho biết chó còn có thể định vị phương hướng bằng cách cảm nhận từ trường Trái Đất.
Ngay cả khi bạn thả con chó của mình vào một khu rừng lạ lần đầu tiên nó được đặt chân đến, thú cưng của bạn cũng có thể xác định được hướng trở về bằng một chiếc la bàn trong đầu. “Đây là nghiên cứu đầu tiên chứng minh trực giác cảm nhận từ trường của những con chó”, Catherine Lohmann, một nhà sinh vật học tại Đại học Bắc Carolina cho biết.
Trước đây, Lohnmann đã dành nhiều năm nghiên cứu khả năng cảm nhận từ trường Trái Đất của loài rùa, trong những chuyến du hành xuyên đại dương của chúng. Nhưng cô lưu ý rằng khả năng điều hướng bằng từ trường của chó ít được nghiên cứu so với các loài động vật khác, ví dụ như rùa và chim di cư.
Khoảng vài năm trở lại đây, các nhà khoa học đã từng tìm thấy một vài manh mối gợi ý rằng chó cũng giống như nhiều loài động vật khác thậm chí bao gồm cả con người có thể cảm nhận được từ trường Trái Đất bằng một giác quan nào đó.
Vào năm 2013, Hynek Burda, một nhà sinh thái học cảm giác đến từ Đại học Khoa học Đời sống Cộng hòa Séc đã phát hiện những con chó có xu hướng quay đầu theo hướng Nam-Bắc trong khi đi tiểu và đại tiện.
Với hơn 30 năm nghiên cứu khả năng cảm nhận từ tính của các loài sinh vật, Burda cho biết hành vi đánh dấu và nhận biết lãnh thổ này của loài chó ắt hẳn liên quan đến khả năng nhận biết vị trí của chúng. Có vẻ những con chó đã dùng một quan khác bên cạnh khứu giác để đi tìm đường biên giới lãnh thổ mà chúng chiếm đóng.
Tuy nhiên, giác quan từ tính đó có giúp lũ chó điều hướng được trong không gian hay không thì vẫn là một bí ẩn. Việc chúng đứng yên và cùng quay đầu về một hướng khi đi tiểu chưa chứng minh được điều gì.
Hướng nghiên cứu này sau đó được Burda giao lại cho một sinh viên cao học của mình, Kateina Benediktová. Để có thể theo dõi hành vi điều hướng của chó, Benediktová đã đặt máy quay video và máy theo dõi GPS trên bốn con chó và thả chúng vào một khu rừng lạ.
Những con chó được dụ đi xa điểm xuất phát khoảng 400 mét và phải tự tìm đường về. Kết quả từ định vị GPS cho thấy hai mô hình dò đường mà chúng đã sử dụng. Có những con chó chỉ đơn giản là dùng khứu giác để đánh hơi ngược lại đúng con đường mà chúng đã đi qua. Trong khi đó, có những con chó sẽ trở về theo một tuyến đường hoàn toàn mới.
Benediktová gọi những con chó đi đường mới này là chó trinh sát.
Những con chó tìm đường về theo 2 mô hình: dùng khứu giác đi ngược lại con đường cũ, dùng cảm nhận từ trường để tìm đường về mới hoặc sử dụng cả 2 cách.
Những dữ liệu thu thập được Benediktová đã đưa cho Burda, cố vấn tiến sĩ của cô. Sau khi nhìn vào bản đồ GPS và video quay lại quá trình di chuyển của những con chó, Burda nhận ra một điều kỳ lạ:
Trong những con chó tìm đường mới để trở về theo mô hình trinh sát, một con đã đột nhiên dừng lại ở giữa đường rồi chạy dọc theo trục Bắc-Nam khoảng 20 mét. Con chó này sau đó mới chuyển hướng để đi về vị trí đích cũng là điểm xuất phát ban đầu.
Mô hình đường chạy này giống với việc đi dọc theo một đường sức từ của thỏi nam châm. 20 mét chạy dọc theo trục Bắc -Nam có thể là khoảng thời gian con chó dùng đến khả năng cảm nhận từ trường của mình để tìm đường về.
Để có thêm dữ liệu khẳng định điều này, Benediktová và Burda đã mở rộng dự án nghiên cứu. Lần này, họ đã thả tổng cộng 27 con chó để thực hiện vài trăm chuyến đi trong khoảng thời gian 3 năm. Trong quá trình đó, Benediktová và Burda đã phát hiện 223 trường hợp những con chó tìm đường theo mô hình trinh sát.
Những con chó này đã đi lang thang trung bình 1,1 km trước khi trở về. 170 chuyến đi trong số này có mô hình tương tự khi những con chó đã chạy dọc theo trục Bắc -Nam 20 mét ở giữa quãng đường để xác định được hướng trở về.Đặc biệt, khi những con chó chạy theo mô hình này, chúng sẽ tìm được một con đường ngắn hơn để quay lại với chủ, so với những con chó không làm điều đó, các tác giả viết trên tạp chí eLife. “Tôi đã thực sự ấn tượng với những dữ liệu này“, Lohmann nói.
Trong những lần đi dạo trong rừng, nhóm nghiên cứu đã cố gắng loại bỏ tất cả những manh mối điều hướng mà những con chó có thể dựa vào. Những con chó thường được đưa đến một khu rừng mà nó chưa từng đến, điều này loại trừ khả năng nó dựa vào các địa danh quen thuộc để tìm đường.
Các nhà khoa học cũng đảm bảo những con chó không thể tìm hướng quay lại dựa vào mùi của chủ nhân, bởi những người sở hữu chó được yêu cầu phải trốn đi chỗ khác ngay khi con chó của họ được thả.
Các nhà nghiên cứu cho biết khả năng tìm kiếm bằng khứu giác rõ ràng đã bị loại trừ vì khi những con chó trở về gió cũng hiếm khi thổi xuôi chiều từ người chủ đến chúng.
Tổng hợp lại, Burda nghĩ rằng những con chó đã chạy dọc theo trục bắc-nam để tìm ra hướng đi cho mình. “Đó là lời giải thích hợp lý nhất”, ông nói. Lohmann đồng ý với lời giải thích này. Cô cho rằng khi đã đi lạc, lũ chó có thể đã nhớ lại hướng đứng của chúng ở vạch xuất phát, là huớng chỉ từ đuôi lên đến đầu, cũng là hướng tầm nhìn và hướng xuất phát của chúng.
Sau đó, nó đã chay dọc theo hướng Bắc-Nam để khởi động chiếc la bàn từ tính trong đầu tham chiếu lại với hướng xuất phát để tìm ra con đường trở về ngắn nhất.
Adam Miklósi, một nhà nghiên cứu hành vi loài chó tại Đại học Eötvös Loránd, cho biết việc thiết kế ra các thí nghiệm từ trường rất phức tạp vì khó có thể loại bỏ mọi giác quan khác để khiến một con chó chỉ phụ thuộc vào từ trường khi tìm hướng. ‘Vấn đề là để chứng minh được 100% ý nghĩa của từ trường, hay bất kỳ ý nghĩa nào, bạn phải loại trừ tất cả những yếu tố còn lại”.
Burda và Benediktová bây giờ đang có một cách tiếp cận mới nữa để cái tiến thí nghiệm. Trong những lần tới, họ dự định sẽ đặt nam châm vào vòng cổ của chó để làm nhiễu tín hiệu từ trường Trái Đất, để xem liệu những con chó này có bị bối rối khi tìm đường về hay không.
Ý tưởng này lặp lại một thí nghiệm gây tranh cãi được công bố vào những năm 1980 trên tạp chí Science, trong đó, những tình nguyện viên bịt mắt bằng những miếng vải giấu nam châm đã bị mất cảm giác tìm hướng bằng trực giác từ trường của mình.
Miklósi nói rằng quả thực không có gì quá ngạc nhiên khi thấy những con chó có thể sử dụng từ trường Trái Đất để điều hướng. Đó dường như là một khả năng cổ xưa và nó có thể xuất hiện ở bất kỳ động vật có vú nào một khi chúng phải tập đi qua các vùng lãnh thổ rộng lớn để tìm kiếm thức ăn và môi trường sinh tồn cho mình.